MỘT
SỐ NỘI DUNG CHỦ YẾU
VỀ
PHONG CÁCH LÀM VIỆC CỦA HỒ CHÍ MINH
Phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hình thành từ rất
sớm. Ngay từ khi còn nhỏ, Hồ Chí Minh đã sớm tiếp nhận một nền giáo dục Nho
học, điều đó đã định hình một phong cách, nề nếp, ngăn nắp, cần mẫn trong suy
nghĩ và hành động, Những năm tháng bôn ba ở nước ngoài, lăn lộn với cuộc sống
của một người lao động, hòa mình trong phong trào công nhân, đã hình thành ở
Người một phong cách làm việc với phương pháp khoa học, quý trọng thời gian và
sắp xếp công việc hàng ngày theo một kế hoạch cụ thể hợp lý. Những trải nghiệm
trong cuộc sống cùng với những tác động và ảnh hưởng của những yếu tố của văn
hóa phương Đông và phương Tây mà người đã tiếp nhận trong những năm tháng hoạt
động cách mạng đã hình thành trong con người Chủ tịch Hồ Chí Minh một phong
cách làm việc khoa học và hiệu quả.
Trong những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh
sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, phong cách làm việc của người được thể hiện
đậm nét và sâu sắc trong cách giải quyết công việc hàng ngày trên cương vị là
Người đứng đầu Đảng và Nhà nước.
Nét nổi bật trong phong cách
làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là làm việc đúng giờ, tiết kiệm thời gian tối
đa và phân bổ thời gian để giải quyết công việc một cách hợp lý, khoa học, tôn
trọng công việc và tôn trọng con người. Một ngày làm
việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ rất sớm: “Khi đài tiếng nói Việt Nam
mở nhạc hiệu thì Bác cũng bật đèn phòng ngủ. Bác làm suốt cả ngày, nhiều hôm
đến tận đêm khuya”. Trong một ngày, Người giải quyết rất nhiều công việc từ
tiếp cán bộ, tiếp khách ngoại giao, đi thăm cơ sở, họp Bộ Chính trị, nghiên cứu
tài liệu, viết báo, viết thư.v.v... Sự phân bổ thời gian hợp lý, khoa học đã
giúp Người tiết kiệm nhiều thời gian và giải quyết hiệu quả một khối lượng công
việc đồ sộ, phức tạp trên cương vị một người lãnh đạo đất nước. Người tiết kiệm
và sử dụng thời gian một cách hợp lý tối đa cho công việc, Người thường bố trí
thời gian tiếp cán bộ đến làm việc hoặc tiếp khách vào đầu các buổi sáng sớm để
sau đó dành nhiều thời gian cho công việc. Làm việc với ngành nào, địa phương
nào, Người cho mời các đồng chí phụ trách trực tiếp vấn đề đó đến họp bàn ngay,
rất cụ thể và thiết thực, vừa tiết kiệm được thời gian. Người thường nhắc cán
bộ phải luôn luôn biết quý trọng thời gian, phải làm việc đúng giờ và không nên
lãng phí thời gian. Người tranh thủ thời gian từng giờ, từng phút cho công
việc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng là người có nhiều thời gian sống gần Người trong
những năm Người sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, đã nhận định: “Theo tôi
biết... thật sự Bác không có ngày nghỉ và ngày nào cũng như ngày nào bao giờ
cũng có chương trình làm việc với những giờ giấc rất nghiêm ngặt, mà Hồ Chí
Minh là người gương mẫu trong việc tuân thủ kỷ luật đó. Có lẽ lúc nghỉ ngơi là
lúc Bác gặp các cháu thiếu niên và nhi đồng, nhất là gặp đồng bào chiến sĩ miền
Nam trong thời chống Mỹ, hoặc trong lúc xem phim vui tối thứ bảy ở Phủ Chủ tịch
cùng với bao con cháu các đồng chí làm việc ở chỗ Bác và một số cơ quan gần
bên. Có khi, trong những buổi xem phim như vậy, Bác tiếp khách nước người hoặc
đại sứ các nước anh em”. Người quý trọng thời gian của mình bao nhiêu, thì cũng
quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Vì thế, không bao giờ để bất cứ ai phải
đợi mình, đã hẹn là đến, đã hứa là làm, hẹn đồng chí nào giờ nào đến gặp, đến
đúng giờ ấy là thấy Người đã chờ sẵn, hẹn cán bộ, quần chúng nào, dù khó khăn
đến mấy cũng đến và đến đúng giờ.
Phong cách làm việc của Chủ
tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở chỗ vừa làm việc vừa tự học hỏi để trau
dồi và nâng cao tri thức, đáp ứng với những yêu cầu mới trong công việc hàng
ngày đặt ra. Người thường nhắc nhở cán bộ:
“Học hỏi là một công việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý
luận với công tác thực tế. Không ai có thể cho mình đã biết đủ rồi, biết hết
rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta
phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.
Vừa làm vừa tự học, đó là phong cách của Người
từ những ngày tháng bôn ba tìm đường cứu nước. Những ngày tháng ấy Người đã
tiến hành tự học, không thầy, không phương tiện, không thời gian, cần học chữ
nào, Người viết lên cánh tay, vừa làm vừa học đến cuối ngày, chữ mờ dần cũng là
lúc Người đã nhớ được hết. Đêm khuya, khi mọi người nghỉ ngơi, thì Người lại
tranh thủ ngồi học. Trong những tháng năm Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch,
mặc dù tuổi cao, hàng ngày Người phải giải quyết một khối lượng công việc rất
lớn, nhưng Người vẫn tranh thủ thời gian để bổ sung và nâng cao trí thức cho
mình bằng đọc sách, báo, nghe tin tức, thời sự và rút kinh nghiệm từ những công
việc thực tiễn hàng ngày. Ngày nào Người cũng dành thời gian đọc sách, báo để
cập nhật và trang bị những thông tin và kiến thức cần thiết phục vụ cho công
việc. Những cuốn sách kinh điển của Mác, Ăngghen, Lênin và của các nhà triết
học, nhà tư tưởng, kinh tế học, những cuốn sách về lịch sử, văn học, nghệ thuật
có mặt ở khắp nơi trên bàn làm việc, nơi chủ trì các cuộc họp và cả đầu giường
ngủ.v.v. Người còn đọc nhiều loại báo: báo Đảng, báo địa phương, báo ngành...
Người thường xem báo ngay đầu giờ buổi sáng và thường xuyên nhắc cán bộ, nhất
là cán bộ phụ trách, cần phải sắp xếp thời gian đọc báo hàng ngày để nắm bắt
thông tin phục vụ cho công việc. Người đọc báo rất nhanh mà không bỏ qua những
chi tiết đáng chú ý nào. Ngoài báo chí trong nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đọc
báo nước ngoài gửi đến bằng con đường ngoại giao, những thông tin trên báo chí
giúp Người nắm bắt thông tin hàng ngày rất kịp thời cả trong nước và quốc tế,
từ các địa phương, các ngành, các lĩnh vực... Vừa học, Người vừa ghi chép hết
sức cẩn thận, tỷ mỉ từ những vấn đề của các địa phương trong nước cho đến những
biến động trên thế giới, từ những cuộc đấu tranh biểu tình cho đến những vấn đề
về tài chính tiền tệ... rất cụ thể và thiết thực, đây chính là một trong những
hình thức tự học tập để bổ sung tri thức rất hiệu quả và cần thiết. Trên cơ sở
đó giúp Người đưa ra sự chỉ đạo phù hợp với từng lĩnh vực và những chính sách
đối nội, đối ngoại sát với thực tiễn.
Phong cách làm việc sâu sát với
thực tế cơ sở và quần chúng để nắm tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó đưa ra
những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với lòng dân và sự phát triển
của thực tiễn khách quan. Đây là yếu tố rất quan
trọng trong phong cách của một người lãnh đạo, ngoài việc nắm bắt những thông
tin qua báo chí, từ báo cáo của các ngành, các địa phương, Người luôn gần gũi
với cuộc sống của nhân dân để lắng nghe những ý kiến và nguyện vọng của dân.
Phong cách làm việc gần gũi, sâu sát quần chúng, cơ sở không chỉ là phong cách
cần thiết của cán bộ, đảng viên trong quan hệ với dân, mà còn cần thiết trong
quan hệ của cấp trên với cấp dưới, của cán bộ lãnh đạo với cán bộ, đảng viên
bình thường.
Người kịch liệt phê phán những lối làm việc
không thiết thực, bệnh “hữu danh vô thực”, bệnh hình thức, khi ra chỉ thị, nghị
quyết thì không gắn với điều kiện thực tế, không gắn với quần chúng và cơ sở.
Ngồi trên bàn giấy, nghe người dân báo cáo rồi vẽ vời, do chủ quan tưởng tượng
mà không đi sâu sát thực tế, làm cho có chuyện, “để làm một bản báo cáo cho
oai, nhưng xét kỹ lại rỗng tuếch”. Trong 15 năm sống và làm việc tại Phủ Chủ
tịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hơn bảy trăm lần đi thực tế xuống các cơ sở,
Người thường tranh thủ mọi cơ hội để đi thăm các địa phương, nông trường, nhà
máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà trẻ, đơn vị quân đội, cơ sở đảng,
chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội v.v. Có không ít những cơ sở người
đến thăm nhiều lần. Người muốn hiểu tâm tư tình cảm của đồng bào, đồng chí và muốn
biết cuộc sống của người dân, chiến sĩ... như thế nào. Người thường đến thăm
một cách bất ngờ không báo trước để thấy thực tế tình hình cơ sở chứ không nghe
báo cáo. Khi xuống cơ sở, điều quan tâm đầu tiên là xem nơi ăn ở, nhà ăn tập
thể, khu vệ sinh trước rồi mới ra hội trường nói chuyện với mọi người. Đối với
đồng bào ở nông thôn, Hồ Chí Minh rất chú ý đến những ngày tháng giáp hạt và
đòi hỏi các đồng chí có trách nhiệm phải nắm chắc tình hình, có sẵn biện pháp
để đề phòng. Trong những chuyến đi thăm cơ sở, Người luôn lắng nghe những kiến
nghị của quần chúng và đề ra những sáng kiến quan trọng, những ý kiến chỉ đạo
sâu sắc, những gợi ý thiết thực, đòi hỏi mọi người có liên quan suy ngẫm và tìm
mọi cách thực hiện cho bằng được. Điều đáng chú ý là những chỉ đạo của Người
không phải là những bài diễn văn dài dòng, mà là những ý thường được Người diễn
đạt ngắn gọn, thiết thực bằng những cách nói dân gian, những quan điểm triết lý
truyền thống rất trúng, rất hay, dễ hiểu, dễ tiếp thu và dễ thực hiện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần phê phán tệ
quan liêu xa rời quần chúng, xa rời thực tế cuộc sống, thói lên mặt quan cách
mạng, mệnh lệnh, cửa quyền, ức hiếp đối với quần chúng ở một số cán bộ, đảng
viên. Mỗi chuyến đi thăm đồng bào, cơ sở, Người thường để lại những ấn tượng
sâu sắc, gần gũi đối với mỗi người dân. Người gặp bà con nông dân ngay trên
đồng ruộng, bỏ dép, xắn quần lội xuống nơi bà con đang cấy để thăm hỏi bà con,
cùng tát nước chống hạn, cuốc đất trồng cây như một lão nông quen việc đồng
áng. Trong những chuyến đi thăm các địa phương ở xa, bao giờ Người cũng đề nghị
anh em phục vụ chuẩn bị cho mình cơm nắm, Người không muốn tiệc tùng tốn kém
theo kiểu “khách ba chủ nhà bảy”. Có lần Người tâm sự với anh em phục vụ: nếu
như mình đồng ý để cho họ làm cơm thiết đãi mình, thì chắc chắn họ làm linh
đình lắm bởi vì làm cơm đón Chủ tịch nước, như vậy rất tốn kém tiền của của
nhân dân, trong khi đất nước còn nghèo, đời sống nhân dân còn khó khăn thì điều
đó là không nên. Vì vậy, một bữa cơm nắm trên xe, hay dưới gốc cây ven đồi là
chuyện thường tình ở Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những chuyến đi công tác của
Người. Tự nhiên, bình dị và gần gũi với quần chúng, tác phong ấy làm cho lãnh
tụ và quần chúng dễ dàng hòa nhập với nhau trong sự đồng cảm sâu sắc. Người đón
tiếp quần chúng thân mật, chan hòa và gần gũi, mọi người có thể nói ra những
điều trăn trở, tâm tư, suy nghĩ của mình và Người được nghe những ý kiến thật
sự từ thực tiễn của đời sống.
Phong cách làm việc của Chủ
tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở tác phong dân chủ. Đây là một trong những đặc trưng tiêu biểu trong phong cách công
việc của Người, Người cho rằng: “Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để có
thể giải quyết mọi khó khăn trong công việc, ngay từ khi lập kế hoạch và suốt
quá trình thực hiện”. Tác phong dân chủ trong công việc đã trở thành một thói
quen và đã thấm sâu vào suy nghĩ và hành động của Người. Người rất chú ý việc
thực hành và phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng cũng như đối với quần chúng và
phát huy tinh thần dân chủ của mọi người, Người luôn giữ tác phong làm việc gắn
bó với tập thể, tôn trọng tập thể và phát huy sức mạnh của tập thể. Người thẳng
thắn phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ thiếu dân chủ, vì vậy, người có ý
kiến không dám nói, người muốn phê bình không dám phê bình. Từ đó, làm cho cấp
trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng với Đảng xa rời nhau, thui chột sáng
kiến, giảm nhiệt tình trong công tác. Người cho rằng: “Người lãnh đạo muốn biết
rõ ưu điểm và khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu,
không gì bằng khuyên cán bộ của mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như
thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo mà tỏ ra dân chủ
thật thà trong Đảng”. Trong những năm sống và làm việc tại Phủ Chủ tịch, tác
phong làm việc dân chủ của Người càng được thể hiện sâu sắc. Người luôn giữ tác
phong dân chủ tập thể, những việc lớn, quan trọng đều được đưa ra bàn bạc tập
thể dân chủ, tranh thủ ý kiến của mọi người. Trên bàn làm việc của Người ở nhà
sàn còn lưu những dòng bút tích gửi đồng chí Trường Chinh, trong bài “Cần sửa
chữa những thiếu sót trong “ba khoán” ở các hợp tác xã nông nghiệp” đăng trên
báo Hà Nội mới, Người
ghi: “Kính gửi đồng chí Trường Chinh. Những sai lầm về ba khoán, xem xong xin
trả lại cho B”. Trong những cuộc họp, Người luôn dân chủ, trân trọng và chú ý
lắng nghe các ý kiến của từng cán bộ, đồng chí. Khi đến với đồng bào, Người
không chỉ lắng nghe ý kiến và báo cáo của cán bộ các cấp, các ngành, mà còn chú
ý những ý kiến của những người dân bình thường. Những tài liệu quan trọng Người
đều gửi đến các đồng chí lãnh đạo đóng góp ý kiến trước khi Người đưa ra quyết
định cuối cùng. Người còn trao đổi với cả các đồng chí phục vụ hàng ngày về
những bài báo để sửa chữa những chỗ còn khó hiểu trước khi đăng.
Từ thực tiễn cuộc sống và hoạt động cách mạng,
đặc biệt là những năm tháng Người ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã để lại những chuẩn mực về phong cách làm việc. Đây là những bài học
thực tiễn sâu sắc đối với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là các cán bộ, đảng viên
trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi đất nước đang đẩy mạnh mở cửa hội nhập
với thế giới, đòi hỏi mỗi người dân Việt Nam phải có một phong cách làm việc
khoa học, hiện đại và hiệu quả, góp phần đưa đất nước phát triển.
Nhận xét
Đăng nhận xét