CÁCH NHẬN DIỆN CÁC LOẠI SUY THOÁI
TƯ TƯỞNG CHÍNH TRỊ VÀ ĐẠO ĐỨC LỐI SỐNG

Suy thoái về tư tưởng chính trị:
Suy thoái về tư tưởng chính trị có thể coi là “phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định mục tiêu, sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao, không thực hiện đúng các nguyên tác tổ chức sinh hoạt đảng; là dao động, mơ hồ, mất phương hướng, cho rằng theo con đường nào, xã hội nào cũng được, phụ hoạ theo nhận thức sai trái, quan điểm lệch lạc; là nói và làm trái Cương lĩnh, Điều lệ, Nghị quyết, Quy định của Đảng, thậm chí a dua, xuyên tạc, bôi đen…”
Đúng vậy, là cán bộ, đảng viên ít nhiều đã được trang bị một lượng kiến thức cơ bản về lý tưởng, đạo đức cách mạng; tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau một số cán bộ, đảng viên trong quá trình sinh hoạt và công tác đã bị suy thoái về tư tưởng chính trị. Suy thoái về tư tưởng chính trị trong công sở thường biểu hiện ở chỗ: Dao động về lý tưởng, mục tiêu và con đường đi lên CNXH, hoài nghi, không tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, không kiên định lập trường, quan điểm, làm xuất hiện chủ nghĩa cơ hội; nhận thức đơn giản, chung chung về Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng. Từ đó dẫn đến “tự cao, tự đại”, “đặt cái tôi lên trên hết”; chê bai đất nước và con người Việt Nam, thích xem xét lại quá khứ, nặng về phê phán, chỉ trích các khuyết điểm mà không tính đến hoàn cảnh lịch sử cụ thể; nói và làm không đúng với Nghị quyết; ít coi trọng sinh hoạt đảng, không đặt mình dưới sự quản lý, giám sát của tổ chức; báo cáo không trung thực, không nghiêm khắc tự phê bình và phê bình, “nói một đường, làm một nẻo”. Lơ là mất cảnh giác, không kiên quyết phê phán, đấu tranh với những người có quan điểm sai trái, “hữu khuynh”, hoạt động theo lợi ích nhóm. Một số cán bộ, đảng viên thờ ơ với các hành động, lời nói tiêu cực của các phần tử bất mãn. Có người tán thưởng, hùa vào hoặc giữ im lặng, không tranh luận, “dĩ hoà vi quý”, sợ mất lòng, “duy ý chí”, một số ít người còn có quan niệm “cùng một việc cấp trên nói đúng cũng được, nói sai cũng phải nghe”, hoặc cho rằng “cãi cấp trên giống như người nằm ngửa nhổ nước bọt lên trời”...
Trong vấn đề suy thoái về tư tưởng chính trị chúng ta cần phải lưu ý rằng, “tự suy thoái”, “tự diễn biến” là chính, dù có những tác động ngoại cảnh. Bởi vậy, suy thoái về tư tưởng chính trị là sự suy thoái rất khó nhận biết, khó phát hiện, diễn ra thầm lặng trong mỗi con người cán bộ, đảng viên; ranh giới giữa chuẩn về tư tưởng chính trị và suy thoái tư tưởng chính trị là khá gần nhau. Nếu chỉ căn cứ và lời nói, việc làm thì khó thấy rõ; nhiều người nói thì rất đúng quan điểm, nhưng hành động lại khác; phổ biến hướng dẫn công việc cho người khác một đường nhưng khi làm lại là đường khác; có người quản lý còn “hữu khuynh”, “thiên vị”, biết cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ được giao hoặc làm sai nhưng không dám xem xét hoặc điều chỉnh (vì nhiều lý do). Hậu quả là công việc không chạy, tồn đọng kéo dài, gây bất bình cho đối tác và những người xung quanh, làm suy giảm lòng tin với các cấp lãnh đạo, là mầm mống sinh ra mất đoàn kết nội bộ, đơn thư ...
 Suy thoái về đạo đức, lối sống:
Suy thoái về đạo đức, lối sống “là sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng, vụ lợi, lo vun vén cho bản thân và gia đình, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, để vợ (chồng), con và người thân lợi dụng chức quyền của mình để trục lợi, tiến thân; là cơ hội, hám danh, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp…; là đố kỵ, kèn cựa địa vị, cục bộ, bè phái, gây mất đoàn kết trong Đảng; là quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, nỗi khổ của nhân dân, bất chấp đạo lý, dư luận vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm; là kiêu ngạo, tự phụ, gia trưởng, độc đoán, tùy tiện, vô tổ chức, tham nhũng, lãng phí, sống xa hoa, hưởng lạc”.
Hiện nay, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có dấu hiệu gia tăng và lan nhanh; tập trung vào những điểm: xa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng; có thái độ vô trách nhiệm, chỉ lo vun vén cá nhân, kiếm lợi trước mắt, bỏ qua lợi ích lâu dài. Đáng lo ngại là lối sống này xuất hiện nhiều ở cán bộ, đảng viên trẻ, ít được rèn luyện, ít được thử thách qua thực tiễn (sống dựa vào có người nâng đỡ); nó còn xuất hiện ở một bộ phận cán bộ, đảng viên đã qua thử thách trong chiến đấu, sản xuất nay có chức, có quyền và thường rơi vài những người làm những công việc nhạy cảm. Biểu hiện rõ nét nhất là: Lối sống cơ hội, buông thả; “chạy chọt”, bệnh thành tích, bệnh nói dối. Một số sống buông thả, sử dụng tiền công quỹ để ăn chơi xa xỉ, chi vào những việc mang lợi ích hoặc sở thích của cá nhân. Lời nói không đi đôi với việc làm, phát ngôn bừa bãi; làm được hay không cũng “vô thưởng, vô phạt”; quan liêu, thích nghe thành tích và “xu nịnh” ngại nghe sự thật (làm tốn tiền của công và công sức của nhân dân). Đạo đức nghề nghiệp không được đề cao và gương mẫu thực hiện. Một số cán bộ, đảng viên chưa hết lòng vì công việc, tư tưởng làm cầm chừng, đối phó, cấp trên nhắc nhở mới làm; quan liêu, tư lợi khi tiếp dân (chưa phải là “công bộc của dân”), thậm chí còn vô cảm khi gặp sự cố của người khác cần mình giúp đỡ. Sự toan tính, vụ lợi của một số cán bộ, đảng viên có chức quyền được thể hiện tính thương mại trong phân công, sử dụng con người, trong điều tiết công việc; ngại khó, ngại đụng chạm dẫn đến né tránh những vấn đề nhạy cảm mà lẽ ra với trách nhiệm của mình phải giải quyết, nguy hại hơn là có những vấn đề cá nhân hoặc tổ chức có ý kiến đề nghị chính thức nhưng vẫn tìm cách tránh né, tìm cách nguỵ tạo hoặc tìm cách cho “chìm xuồng”.
Tất cả những vấn đề nêu trên đều thuộc vào nhóm tham nhũng, lãng phí. Đây chính là nguy cơ lớn nhất đe dọa sự tồn vong của Đảng và việc duy trì đoàn kết nội bộ của tổ chức và xã hội...
Mối quan hệ giữa sự suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống; hệ quả của sự suy thoái đó
- Suy thoái về tư tưởng chính trị gắn với suy thoái đạo đức, lối sống, hai mặt này gắn bó và tác động qua lại với nhau. Chúng ta có thể xác định suy thoái tư tưởng chính trị qua đạo đức, lối sống và cũng có thể nhìn vào đạo đức, lối sống để nhận biết được suy thoái về chính trị tư tưởng trong mỗi cán bộ, đảng viên, người lao động trong cơ quan.
- Thường sự suy thoái về đạo đức, lối sống dễ nhận thấy và xuất hiện trước. Khi sự suy thoái này kéo dài không được ngăn chặn sẽ xuất hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Đây chính là cơ sở để kẻ xấu (quân địch) thường đầu độc cán bộ, đảng viên, người dân về lối sống xa xỉ sẽ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị. Tuy nhiên do hoàn cảnh sống, cũng có trường hợp do nhận thức, do quan niệm về lý tưởng sống nên có nhận thức lệch hướng về tư tưởng chính trị nhưng không phải tất cả đều có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống cá nhân.
- Suy thoái về tư tưởng chính trị là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quan liêu, quan liêu là sự hiện thực hóa sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Vì thế, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị chính là làm chống quan liêu một cách hiệu quả. Chúng ta đã biết: quan liêu là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, lãng phí và tham nhũng là biểu hiện cao nhất của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Khi tham nhũng, lãng phí không được ngăn chặn sẽ tác động trở lại làm cho suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống diễn ra nhanh và khó kiểm soát hơn. Tất nhiên (như đã phân tích ở trên) không phải tất cả những người suy thoái về tư tưởng chính trị đều tham nhũng, lãng phí (những người này hầu hết rơi vào trường hợp ảnh hưởng của nền giáo dục đầu đời).
Một lần nữa chúng ta thấy: vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo chủ chốt trong tổ chức là rất quan trọng, sự lan toả là rất lớn. Nếu người đứng đầu hoặc lãnh đạo chủ chốt suy thoái thì chắc chắn sẽ làm suy thoái nhiều người trong tổ chức đó.


Nhận xét

  1. Bài viết nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên tự xem lại mình, không để mắc vào những biểu hiện của sự suy thoái đó

    Trả lờiXóa
  2. bài viết có giá trị

    Trả lờiXóa

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI THÙ ĐỊCH TRÊN INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI TRONG QUÂN ĐỘI