Những biểu hiện
“tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tổ chức

Đấu tranh, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay là cuộc đấu tranh trong nội bộ, trước hết phải bắt đầu từ trong Đảng, dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn dân để thực sự góp phần ngăn chặn "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" từ trong nội bộ.
Tự diễn biến và tự chuyển hoá của tổ chức và cá nhân hiện nay rất đa dạng và phong phú, được biểu hiện và biến thể ở nhiều mức độ, hình thái khác nhau. Biểu hiện của tự diễn biến của tổ chức đảng, tổ chức nhà nước: 
- Không chấp hành, chấp hành không đúng, không đầy đủ Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của chính quyền cấp trên gây thiệt hại cho tập thể, cho tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương, cho lợi ích chung của cộng đồng.
- Không chấp hành nghiêm chỉnh nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, thể hiện rõ nét nhất là không chấp hành đầy đủ, đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách trong việc thảo luận, biểu quyết những vấn đề thuộc trách nhiệm của tập thể.
- Một số cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước khi có quyết định chia tách, giải thể, sáp nhập hoặc kết thúc hoạt động nhưng tập thể vẫn "cố tình", "tranh thủ" ra nghị quyết, quyết định không đúng thẩm quyền, trách nhiệm để vụ lợi (ban hành chủ trương quy hoạch, đầu tư các dự án; cấp đất, cấp nhà, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ) hoặc với động cơ không trong sáng (quyết định kết luận vụ việc kiểm tra, giám sát không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục hoặc quyết định kỷ luật cán bộ mang tính trù dập). 
- Có cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, tổ chức nhà nước khóa mới biết cấp uỷ, ban thường vụ, tổ chức nhà nước khoá trước ban hành nghị quyết, chủ trương, quyết định chưa phù hợp, thậm chí sai nhưng không nêu cao trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định điều chỉnh hoặc khắc phục kịp thời (kể cả trong quyết định chủ trương thực hiện các quy hoạch, dự án đầu tư, cả trong công tác cán bộ, thi hành kỷ luật đảng). Ngược lại, có cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, tổ chức nhà nước cấp trên thấy cấp dưới ban hành chủ trương, nghị quyết, quyết định không phù hợp, chính xác hoặc sai nhưng làm ngơ, hoặc bao che cho cấp dưới, dẫn đến khuyết điểm, vi phạm kéo dài, có khi qua nhiều nhiệm kỳ, gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không hoặc chậm giải quyết, gây khiếu kiện kéo dài, bức xúc trong xã hội, dẫn đến tình trạng "tư duy nhiệm kỳ" và "lợi ích nhóm".
- Không nghiêm túc tự giác tự kiểm điểm phê bình trong sinh hoạt của tập thể cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ, tổ chức đảng, chi uỷ, chi bộ, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Do nể nang, ngại va chạm nên tập thể, trước hết là người đứng đầu làm ngơ, bỏ qua hoặc sợ trách nhiệm, sợ mất thành tích, mất cán bộ nên đã xuê xoa, bao che cho vi phạm của thành viên trong tổ chức mình; không báo cáo, báo cáo không đầy đủ, kịp thời, trung thực, thậm chí báo cáo sai sự thật với cấp trên.
- Tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước vì lợi ích cục bộ đã ban hành các nghị quyết, chủ trương, chính sách, quyết định cho tập thể, cho cơ quan, đơn vị mình trái với chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, của cấp trên theo phương châm "trên có chính sách, dưới có đối sách".
- Lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị thế của cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương để làm trái hoặc tự đặt ra các chủ trương, thủ tục hành chính, giấy tờ không đúng quy định, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân, cho doanh nghiệp... nhằm trục lợi cho tập thể. 
Từ tự diễn biến của tổ chức đảng, tổ chức nhà nước trong một giai đoạn cụ thể đi từ thay đổi về lượng đến một mức độ nào đó sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất. Từ những thiếu sót, khuyết điểm nhỏ, đơn lẻ phát triển dần dần đến thiếu sót, khuyết điểm lớn, từ phạm vi nhỏ đến phạm vi lớn hơn; từ sai phạm nhỏ đến sai phạm lớn, từ cơ hội, nhất thời đến mang tính cố ý, thường xuyên, phổ biến, từ số lượng vi phạm nhỏ đến số lượng vi phạm lớn, từ ít nghiêm trọng, đến nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng; từ khuyết điểm, sai phạm của một tổ chức đảng, tổ chức nhà nước lan sang nhiều tổ chức, từ cấp dưới đến ngang cấp, đến cấp trên; từ đơn lẻ đến sự liên kết giữa nhiều tổ chức, nhiều cấp; từ một lĩnh vực sang nhiều lĩnh vực.
Những khuyết điểm, sai phạm lúc đầu có thể do nguyên nhân khách quan (điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài tác động từ cơ chế, chính sách, sự thiếu kiểm tra, kiểm soát, giám sát) của chủ thể quản lý (các tổ chức đảng, tổ chức nhà nước), của hệ thống giám sát xã hội (Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân), sau chủ yếu do nguyên nhân chủ quan (do bột phát, đến cố ý lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách hoặc tự đặt ra các quy định, thủ tục trái với quy định của Đảng, Nhà nước, của cấp trên) để trục lợi.
Quá trình tự diễn biến, chuyển sang tự chuyển hoá có thể diễn ra một cách tự phát chậm chạp, nhưng cũng có thể diễn ra một cách mau lẹ, liên tục, nhất là khi có thêm sự tác động của các nhân tố bên ngoài xã hội hoặc của các thế lực phản động, thù địch trong thực hiện âm mưu diễn biến hoà bình, có thể kéo theo hoặc kết hợp với sự suy sụp về kinh tế, sự suy giảm về lòng tin của nhân dân, có thể đẩy tới sự sụp đổ chế độ xã hội.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI THÙ ĐỊCH TRÊN INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI TRONG QUÂN ĐỘI