Tự do tôn giáo ở Việt Nam - Không thể phủ nhận
Chủ tịch nước Trần Đại Quang với chức sắc tôn giáo

"Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân", Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi việc thực hiện tự do tôn giáo là điều không thể phủ nhận.
Với những luận điệu như Việt Nam vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, Việt Nam đàn áp tôn giáo họ xuyên tạc một cách trắng trợn tình hình tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Tuy nhiên, dù họ có “to mồm” đến đâu thì họ cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng Việt Nam là một nước luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Điều này được thể hiện ngay trong hệ thống đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn. Đặc biệt điều đó luôn được thực tiễn lịch sử chứng minh qua các thời kỳ lịch sử
Ở Việt Nam, quyền tự do tôn giáo được khẳng định bằng luật pháp. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc và tôn giáo. Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán quan điểm “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc”; từ đó, kiên trì chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của mọi người dân và đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Các hoạt động tôn giáo ở Việt Nam phát triển tích cực, ổn định; đồng bào có đạo ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các bản Hiến pháp của Nhà nước ta đều quy định rõ về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Điều 24, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 quy định: “ Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 16-3-1955, Quốc hội khóa I thông qua Nghị quyết bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng. Nghị quyết được luật hóa bằng Sắc lệnh số 234/SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 16-4-1955. Chương 1 Sắc lệnh 234/SL đề cập tới cả ba phương diện của sự tồn tại tôn giáo trong xã hội: "Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào", "tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo". Các nội dung này hoàn toàn thống nhất với Ðiều 18 trong Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền được Liên hợp quốc thông qua ngày 10-12-1948: "Mọi người đều có quyền về tự do tư tưởng, nhận thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như quyền tự do biểu lộ tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, với tư cách cá nhân hay tập thể, ở nơi công cộng hay nơi chốn riêng, bằng sự truyền dạy, thực hành, thờ phụng và áp dụng các nghi thức đạo giáo". Ðồng thời, Ðiều 15 Sắc lệnh 234/SL khẳng định: "Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là một quyền lợi của nhân dân. Chính quyền dân chủ cộng hòa luôn tôn trọng quyền lợi ấy và giúp đỡ nhân dân thực hiện".
 Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, trong các văn bản có tính pháp lý cao nhất, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đều được khẳng định trang trọng. Ðiều 70 Hiến pháp năm 1992 đã ghi rõ: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước". Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đang được toàn dân đóng góp ý kiến, còn bổ sung và nhấn mạnh thêm: "Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo". Cùng với đó là việc Quốc hội khóa XIII đã quyết định đưa nội dung sửa đổi Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được đảm bảo trên thực tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng. Hiện nay, nước ta có 13 tôn giáo với 36 tổ chức tôn giáo và 01 pháp môn tu hành đã được công nhận và cấp đăng ký hoạt động, với khoảng 30 triệu tín đồ, trên 100 nghìn chức sắc, chức việc, nhà tu hành, hàng chục cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo, hàng chục nghìn cơ sở thờ tự, v.v. Hằng năm, có khoảng 8.500 lễ hội tôn giáo, tín ngưỡng được tổ chức. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành được duy trì, mở rộng. Nhiều chức sắc và nhà tu hành Việt Nam được cử đi đào tạo ở Mỹ, Pháp, I-ta-lia, Ấn Ðộ, v.v. Đại diện chức sắc các tôn giáo Việt Nam đã tham gia đối thoại tôn giáo, tín ngưỡng, giao lưu học hỏi, trao đổi giáo lý và giáo luật tại các diễn đàn lớn, như: Diễn đàn hợp tác Á- Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),… và có quan hệ với Vatican kể từ năm 1989. Trên cơ sở mối quan hệ này, Vatican đã cử Ðại diện không thường trú tại Việt Nam từ năm 2011 và đến nay, đặc phái viên không thường trú của Vatican đã thực hiện trên 20 chuyến thăm tới 60/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các tổ chức nhân quyền và tôn giáo quốc tế đã nhiều lần đến thăm, làm việc, khảo sát thực tế và thừa nhận việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam đạt được nhiều tiến bộ. Đoàn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ, do Phó Chủ tịch Ủy ban Michael Lewis Cromartie nhận xét: “Tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được mở rộng và có nhiều tiến bộ, nhiều điểm đáng khích lệ…”. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb cũng đánh giá: “Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam,…”. Đặc biệt, việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất vào Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014 - 2016) một lần nữa thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong đảm bảo các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo.

Việt Nam đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi công dân là thực tế không thể phủ nhận. Ai đó nói rằng: Ở Việt Nam "tự do tôn giáo chỉ có trên giấy tờ" và "không có tính thực tiễn" là không có cơ sở. Cũng không thể cho rằng Việt Nam phân biệt đối xử với những người có niềm tin tôn giáo. Ðó là cái nhìn phiến diện, thiếu khách quan, thiếu thiện chí đối với vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam. Cần thấy rõ là tự do tôn giáo không thể đánh lận với một số đối tượng lợi dụng tôn giáo để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.Pháp luật ở Việt Nam và ở hầu hết các quốc gia trên toàn thế giới đều có những điều, khoản quy định mọi công dân trong một quốc gia đều bình đẳng trước pháp luật. Khi phạm một tội thì dù công dân đó theo hay không theo tôn giáo cũng đều chịu sự trừng phạt của pháp luật một cách bình đẳng. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

NHẬN DIỆN VÀ ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC QUAN ĐIỂM SAI TRÁI THÙ ĐỊCH TRÊN INTERNET VÀ MẠNG XÃ HỘI TRONG QUÂN ĐỘI